Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, huyện Minh Long đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, nhằm cải thiện đời sống cho người dân.
Từ nhiệm vụ trọng tâm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: Xác định thế mạnh của địa phương là phát triển nông – lâm nghiệp, nên nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Minh Long đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó, từ các nguồn vốn, huyện đã tập trung đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi trọng điểm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi…
Hiện nay, ngoài những cây trồng chủ lực như keo, mì, chè truyền thống, huyện Minh Long còn chú trọng phát triển và hình thành nhiều mô hình sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao.
Huyện đã xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với từng địa bàn, tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, huyện triển khai 32 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, với 427 hộ dân tham gia. Trong đó có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa, cây ăn quả, cây đậu phụng, thâm canh cây chè xanh; nuôi trâu, bò, heo Móng Cái sinh sản, nuôi vịt lấy trứng… Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân hàng trăm nghìn cây keo lai giâm hom, hàng chục nghìn cây cau để trồng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 65%.
Kể từ khi cây chè xanh Minh Long được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu, huyện đã có nhiều giải pháp phục hồi cây chè truyền thống. Trong đó, huyện xây dựng kế hoạch mở rộng vùng chuyên canh chè để mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Ngoài việc hỗ trợ 167.300 cây chè cho các hộ dân trồng, huyện còn khuyến khích người dân tự ươm và trồng cây chè địa phương. Đến nay, người dân đã trồng và chăm sóc trên 153ha chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và chế biến chè khô.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Minh Long trong 5 năm qua đạt 962 tỷ đồng, tăng gần 8,5%/năm. Sản lượng lương thực đến cuối năm 2020 ước khoảng 7.114 tấn. Thu nhập bình quân năm 2020 trên 35 triệu đồng/người/năm, tăng gần 220% so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7%/năm…
…đến những kết quả đáng khích lệ
Cùng với cây chè, Minh Long cũng đã định hướng cho nông dân cải tiến chất lượng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện. Huyện đã thực hiện 2 dự án áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng đàn trâu, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi truờng.
Trong Dự án “Cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng thịt”, huyện được hỗ trợ gần 20 con trâu đực giống có thể trạng, tầm vóc lớn hơn so với trâu địa phương. Sau thời gian triển khai, hơn 100 con trâu con phát triển tốt. Ngoài ra, huyện còn triển khai nhiều giải pháp khác để cải tiến đàn gia súc trên địa bàn như hỗ trợ 611 con trâu cái sinh sản, 468 con bò cái sinh sản cho người dân và hỗ trợ 16 hộ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi. Thành công của các dự án này đang mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Huyện cũng kêu gọi và có một doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo công nghiệp, góp phần đưa đàn heo của huyện lên 10.500 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 ước khoảng 1.350 tấn, tăng gấp đôi so với nghị quyết đề ra.
Đi đôi với phát triển nông, lâm nghiệp, huyện Minh Long còn chú trọng xây dựng nông thôn mới. Huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cùng nhiều giải pháp hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, số tiêu chí nông thôn mới đạt 16 tiêu chí/xã và xã Long Sơn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Dự kiến, cuối năm 2020, xã Thanh An cũng về đích nông thôn mới.